Bayern Munich đã chuẩn bị cho trận đấu sinh tử này theo những cách hoàn toàn khác nhau. Nếu như “Hùm xám xứ Bavaria” đã thỏa sức nhấn chìm Hamburg trong trận cầu “9 sao” thì Juventus lại chọn cách ung dung chiến đấu (chỉ thực sự dồn lên mạnh mẽ khi cần thiết) để có chiến thắng nhẹ nhàng nhưng vô cùng cần thiết trước Inter.
Cách tiếp cận ấy đã khắc họa rõ nét những nét tính cách trái ngược của hai “gã khổng lồ” này. Không quá khi ví Bayern Munich với hình ảnh ngọn lửa luôn tràn trề năng lượng, sẵn sàng “thiêu đốt” tất cả với khát khao hừng hực của họ.
Dù Bayern Munich “chỉ” đứng thứ hai châu Âu về thời lượng kiểm soát bóng (64,2%, kém Barcelona) nhưng khác với “gã khổng lồ” xứ Catalan, đội bóng thường chủ trương chọn lối chơi vờn đối phương bằng những đường chuyền liên tiếp, thày trò Jupp Heynckes luôn tìm cách vỗ mặt đối thủ với những pha dồn ép liên tiếp.
Sức mạnh, sự đồng đều của đội hình với nhiều cá nhân kiệt suất nhưng Robben, Ribery, T.Muller, Schweinsteiger…cho phép “Hùm xám” thực hiện lối chơi đó. Điều đáng quý, với lối chơi vỗ mặt này, “ngọn lửa” Bayern Munich có thể ‘thiêu đốt” bất cứ hàng thủ nào, dù kiên cố nhất.
Ngược dòng thời gian trở lại trận Chung kết Champions League năm ngoái, sức ép kinh khủng của Bayern Munich đã khiến “xe bus hai tầng” của Chelsea trở nên vô dụng hơn bao giờ hết. Nếu như may mắn hơn, họ (thay vì The Blues) mới xứng đáng là chủ nhân đích thực của danh hiệu cao quý này. Cần phải nhấn mạnh, vẫn với hàng thủ ấy (thậm chí chơi thiếu người), đội bóng thành London vẫn khiến Barcelona vô cùng khốn đốn.
Chẳng ai có thể phủ nhận sức mạnh tấn công “khủng khiếp” của Bayern Munich. Mùa này, sau 27 vòng đấu, FC Hollywood đã “nã” vào lưới đối phương tới…78 bàn (trung bình 2,88 bàn/trận). Có một thống kê khá ngạc nhiên khi mùa này, thày trò Jupp Heynckes chỉ tịt ngòi đúng 1 trận, đó là cuộc chiến lượt về với Arsenal vòng 1/8vừa qua (trận đấu mà Bayern đã quá chủ quan).
Trong đó, nếu chỉ tính ra Bundesliga, chỉ có đúng…4/27 trận, họ ghi ít hơn 2 bàn thắng (ghi 1 bàn) và tới tận 12 cuộc chiến, Bayern Munich khiến mành lưới đối phương rung lên quá 3 lần. Nếu tính trên mọi đấu trường, 7 lần, những chân sút của “Hùm xám” ghi nhiều hơn 5 bàn/trận (tương đương với Barcelona).
Nếu như Bayern Munich là ngọn lửa thì Juventus lại là hiện thân của nước. Không bùng nổ như đối phương, Lão bà luôn dịu êm, mềm mại với chủ trương ru ngủ đối phương nhưng khi cần, họ cũng sẵn sàng cuốn phăng đối phương với sức mạnh của…cơn lũ.
Họ không phải là đội bóng chủ trương dồn ép, chiếm lĩnh thế trận (sở hữu 57,7% thời lượng, chỉ đứng thứ 8 châu Âu, kém cả AC Milan) nhưng điểm mạnh của Juventus nằm ở việc họ luôn biết hướng trận đấu theo ý mình bằng lối chơi ung dung, chậm rãi, với số đông tiền vệ luôn thi đấu cơ động.
Điều đó tạo nên sức mạnh không thể cản nổi của Juventus, chẳng thế mà, hơn 1 năm trời, những đối thủ ở Serie A (tương đương 49 trận đấu), dù đã tìm mọi cách nhưng đều bất lực trong việc khuất phục Bianconeri.
Một trong những ví dụ cho thấy sự “dịu êm” của Lão bà đáng sợ tới nhường nào, đó chính là chiến thắng với tỷ số 3-0 trước Chelsea ở vòng bảng. Đó là trận đấu mà Juventus chỉ cầm bóng vỏn vẹn đúng…48% nhưng họ đã biết “giết chết” nhà ĐKVĐ bằng những đợt tấn công vô cùng chớp nhoáng. Hay trận đấu với Inter mới đây cũng là minh chứng rõ nét cho điều này.
Nói cách khác, nếu Bayern Munich không cẩn thận, họ hoàn toàn có thể “dính bẫy” từ “cáo già” tới từ Italia. Đôi khi, chỉ cần cú phất bóng chính xác tới từ milimet của Pirlo cũng đủ khiến đối phương phải ôm hận.
Trận chiến Bayern Munich – Juventus là hiện thân của hai thế lực tuyệt đối của Bundesliga và Serie A, những giải đấu đã tranh chấp quyết liệt trên BXH UEFA những năm qua (trước khi Bundesliga vượt lên). Cuộc chiến giữa hai đội bóng có “tính cách” trái ngược này hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn. Liệu chăng, lửa “hung tàn” hay nước “dịu êm” sẽ cất tiếng nói trong trận cuộc chiến sinh tử này?
H.Long